Các loại da sáp trên thị trường việt nam

Làm sao để phân biệt da sáp với những loại da khác? Da sáp có bao nhiêu loại? Và tính chất, ưu điểm cũng như nhược điểm của da sáp như thế nào?…
Bằng những kinh nghiệm trong quá trình tìm hiểu để “yêu” loại da này, Đồ da H2 và Tạp chí đồ da chia sẻ thêm với các bạn về chất liệu này nhé:

Da sáp gọi chung trong tiếng anh là Waxy Leather. Tiếp xúc với da sáp nhiều năm qua, mình gặp nhiều loại da sáp, cụ thể như sau:

Phân loại da sáp
1. PHÂN LOẠI CÁC LOẠI DA SÁP
Da sáp được phân thành 2 loại cơ bản: sáp láng và sáp mill.
Da sáp láng
Da sáp láng là loại da đã được chà, bào mòn lớp cật để không còn vân, không còn lỗi da. Da sáp láng có thể được in vân, in lỗ, in hạt,… hoặc để láng tuỳ theo mục đích sử dụng.

Da sáp mill
Da sáp mill là loại da để nguyên lớp vân, bao gồm cả vết côn trùng cắn hoặc vết thẹo,… Da sáp mill thường được chọn làm từ da nguyên liệu có bề mặt đẹp, những con da không được chọn, sẽ chuyển qua xử lí mặt làm da sáp láng hoặc nhiều loại khác.
Cơ bản phân biệt da mill với da hạt in, nhìn tổng thể con da, ta sẽ thấy sự phân bổ các nếp nhăn của da mill-tự-nhiên không đều, về các vị trí như háng, bụng, nách, một phần cổ, da sẽ rậm vân hơn, càng vào sâu thân da và lưng da, da sẽ láng hơn, ít vân hơn. Còn da in hạt thì cả con da sẽ đều hạt.

Da sáp in hạt, hạt đều nguyên miếng da.
Sáp mill tự nhiên, vân khác nhau, tuỳ vị trí.
Da sáp láng hay sáp mill đều có da sáp ướt và da sáp khô của mỗi loại. Đúng như tên gọi thì sáp ướt bề mặt nhờn rít, mình da nặng, lượng sáp nhiều (da tay ai hơi khô, vuốt qua cũng trầy), màu sắc của da sáp ướt thường là màu đậm, tươi, khi trầy, chà sát nhẹ bằng da tay sẽ về màu rất dễ. Sáp khô thì bề mặt láng hơn, mình da nhẹ hơn, lượng sáp ít, độ trầy xước thấp hơn sáp ướt (tuy nhiên khi trầy, lấy tay xoa thì ít về hoàn toàn trạng thái ban đầu), màu sắc của da sáp khô thường không tươi như da sáp ướt.
Sáp ướt

Sáp ướt không đổi màu khi bóp, bẻ. Đây gọi là sáp ướt phổ thông. Nếu đổi màu quằn quại, màu nổi rất ấn tượng, bề mặt vẫn NHÁM, ta gọi là DA SÁP NGỰA ĐIÊN (crazy-horse). Da sáp ngựa điên thường gây cho người nghe hiểu nhầm đó là da ngựa. Da sáp ngựa điên là 1 loại DA BÒ được rất nhiều bạn ưa chuộng vì sự cá tính, bụi bặm, độc và lạ. Ví dụ: Trên cùng 1 con da, làm 2 sản phẩm, với các tác động khác nhau sẽ tạo ra 2 sản phẩm màu sắc nổi lên khác nhau, tạo nên chất riêng cho từng  sản phẩm.

Sáp ngựa điên  - Sản phẩm ví da sáp ngựa điên chế tác bởi Galavu 
Da sáp dầu
Nếu đổi màu, mặt da LÁNG hơn (không nhám như sáp ngựa điên) thì đó là DA SÁP DẦU. Mặt da láng bóng nhẹ, nhưng vẫn rít, và trầy. Da này vẫn đổi màu nhưng ít hơn sáp ngựa điên, và cũng được nhiều bạn trẻ ưa chuộng.

Túi xách da sáp dầu.
Sáp khô
Nhiều bạn dễ nhầm lẫn với da nubuck khi ít gặp, vì bề mặt nhám, màu đều và không đổi màu, nhưng da sáp dễ bị trầy hơn, có bề mặt đanh hơn, và mùi sáp đặc trưng. Đây là một loại da thường gặp.
Da sáp khô
Sáp Buck
Có 1 loại sáp mình cũng hay gặp, gọi là SÁP BUCK (con lai giữa sáp và nubuck). Da này có độ đanh, bề mặt nhung mịn nhẹ, sờ giống da nubuck nhưng hiệu ứng nhẹ hơn và bản chất vẫn là da sáp. Da này thường đc dùng trong giày với mạc quần jeans. Da rất ít trầy, bề mặt thấm hút mạnh. Da này thường chỉ dễ bị nhầm lẫn với da nubuck.
Da sáp Buck dùng làm giày
Da sáp ngựa điên khô
Quay trở về da sáp ngựa điên, cũng như bên sáp ướt, DA SÁP NGỰA ĐIÊN KHÔ cũng đổi màu quằn quại, tuy nhiên mình da nhẹ hơn, bề mặt nhám nhưng không rít, sờ có cảm giác trơn láng hơn.

Sáp pull up
SÁP PULL-UP, cực giống sáp dầu ở độ láng- bóng, giống sáp ngựa điên ở độ đổi màu, và cũng dễ trầy. Đây là con lai của da sáp và da pull-up, độ chạy màu cao hơn da pull-up. Nhiều nơi thì sáp pull-up cũng gọi là sáp dầu, nhưng để cho dễ phân biệt, bên sáp khô mình gọi là sáp pull-up, bên sáp ướt mình gọi là sáp dầu.

_____________________________________________________
Như vậy, các bạn đã cùng chúng tôi trải nghiệm những loại DA SÁP dùng chế tác các sản phẩm da độc đáo. Mời các bạn tham khảo một số sản phẩm chất liệu da sáp, da sáp ngựa điện của đồ da Galavu: 

0 Nhận xét